Thương lục còn có tên là trưởng bất lão, kim thất nương, tên khoa học là Phytolacca acinosa Roxb. (P. esculenta Van Houtte), là cây mới được di thực du nhập vào nước ta mấy thập kỷ gần đây. Trong nước vốn có sẵn loài thương lục Phytolacca decandra L. còn gọi là thương lục Mỹ (Phytolacca americana L.) hay dân gian còn gọi sâm voi vì cây mau lớn, sau 6 – 7 tháng cho củ to bằng cổ tay hình rất giống củ sâm (sự nhầm lẫn chết người từ đây mà ra). Cây thương lục có độc gần như hết các bộ phận. Thương lục cũng là một vị thuốc Đông Y, nhưng nó ít dùng vì nó có độc. Trong Thần Nông Bản Thảo Kinh có từ 2000 năm trước có nhắc đến Thương Lục, nhưng được xếp vào nhóm hạ phẩm, tức là có công dụng trị bệnh nhưng có độc, nên rất ít thầy thuốc dùng.
Trong tất cả các sách vở Đông Y đều ghi đến những đoạn nhầm lẫn giữa Thương Lục và Đảng Sâm, Nhân Sâm. Củ này có nơi còn gọi là “Giả Nhân Sâm” củ tươi nhổ lên có mùi như Sâm, nhưng không phải Sâm.
Tính vị
Thương lục có vị đắng, tính hàn, có độc, vào kinh thận. Vị thuốc này được sử dụng từ rất lâu đời tại Trung Quốc tuy nhiên chỉ được xếp vào dạng hạ phẩm {tức xếp ở phía dưới} bởi vì vị thuốc này có độc (2).
Công dụng của cây thương lục
1) Theo y học cổ truyền vị thuốc thương lục có một số công dụng chính như sau:
- Lợi tiểu tiện
- Điều trị phù, bụng có cục cứng
- Điều trị đau họng
2) Theo các nghiên cứu khoa học
- Esculentoside A (một saponin được phân lập từ rễ thương lục Phytolacca esculenta) làm giảm rõ rệt tổn thương viêm ở gan và thận của chuột
- Esculentoside A (một saponin được phân lập từ Phytolacca esculenta) có tác dụng cải thiện tổn thương phổi và hạn chế viêm đường thở
- Tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư vú, ung thư ruột già, khối u do bạch cầu đơn nhân ở người của chiết xuất rễ thương lục.
- Tác dụng chống viêm mạnh mẽ.
Cách dùng cây thương lục
Theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng rễ thương lục dưới dạng sắc uống hoặc chườm ngoài da.
Sắc uống điều trị phù nề, trướng bụng: 3g~4g/ngày, tuyệt đối không dùng quá liều vì rễ cây có độc (2)
Chườm ngoài da: Lấy rễ cây hơ lửa nóng sau đó chườm ngoài da, ở những vùng bị đau như đau bụng, đau họng (2)
Lưu ý khí sử dụng
- Rễ thương lục có độc nên khi sử dụng làm thuốc, nhất thiết phải tham vấn ý kiến bác sỹ, không tự ý sử dụng.
- Không dùng quá liều 3g~4g/ngày.
- Tuyệt đối không dùng cho phụ nữ mang thai.
- Rễ thương lục có hình dáng rất giống nhân sâm, bởi vậy cần chú ý tránh nhầm lẫn mà sử dụng quá liều có thể gây ngộ độc.